LÀM SAO BIẾT MÌNH CÓ BỊ TIỂU ĐƯỜNG HAY KHÔNG?
Ngày đăng: 20/12/2021
Theo thống kê của Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam, số người mắc tiểu đường (còn gọi là đái tháo đường) ở Việt Nam chiếm khoảng 5.4% dân số (5 triệu người), xếp hàng đầu thế giới.
Tầm soát và điều trị bệnh tiểu đường đặc biệt cần thiết trong thời điểm này, vì thống kê cho thấy virus COVID-19 ảnh hưởng nặng hơn đối với những người mắc bệnh mạn tính trên. Vì vậy, bên cạnh việc giữ gìn vệ sinh đúng cách, biết rõ tình trạng bệnh tiểu đường của chính mình là sự chuẩn bị hợp lý để chủ động đối phó với COVID-19.
Bệnh tiểu đường có ba loại chính: tiểu đường tuýp 1, tiểu đường tuýp 2 và tiểu đường thai kỳ. Trong đó, tiểu đường tuýp 2 là phổ biến nhất, chiếm 90-95% tổng số bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường. Bệnh thường xuất hiện ở tuổi trưởng thành, nhưng do tỷ lệ béo phì ngày càng cao nên hiện nay ngày càng nhiều trường hợp bệnh được phát hiện ở tuổi vị thành niên và người trẻ tuổi. Chính vì vậy, bạn hoàn toàn có thể mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 mà không hề hay biết.
Triệu chứng bệnh tiểu đường tuýp 2
Thông thường, các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh tiểu đường tuýp 2 không dễ nhận biết hoặc khá nhẹ nên bạn không nhận ra trong nhiều nằm ở giai đoạn đầu. Các triệu chứng thông thường có thể bao gồm:
• Mắt bị mờ
• Mệt mỏi kéo dài
• Ăn nhiều nhưng vẫn nhanh đói
• Hay khát nước và đi tiểu nhiều
• Vết thương lâu lành
• Đau và tê ở chân hoặc tay
• Sụt cân không rõ lý do
5 nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường tuýp 2
Do ít có biểu hiện rõ ràng nên nhiều bệnh nhân sau khi bệnh đã tiến triển nặng mới bắt đầu phát hiện và điều trị. Chính vì thế bạn phải thường xuyên duy trì việc kiểm tra đường huyết khi bắt đầu nghi ngờ bệnh, đặc biệt nếu thuộc 5 nhóm đối tượng mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 sau:
• Người trên 40 tuổi
• Người béo phì hoặc thừa cân
• Gia đình có người thân bị tiểu đường
• Bệnh huyết áp cao
• Phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ
Tầm soát sớm bệnh tiểu đường
Nếu bạn nằm trong nhóm đối tượng có nguy cơ hoặc có một trong những triệu chứng được liệt kê trên, hãy đến khám tư vấn với bác sĩ và thực hiện các xét nghiệm cần thiết để tầm soát sớm bệnh tiểu đường tránh để bệnh chuyển biến qua giai đoạn muộn và nhiều biến chứng.